Chuyện những người dân làm giàu nhờ “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn

Admin

Không chỉ hái “lộc rừng”, người dân sống dưới chân dãy Hoành Sơn còn trồng loại cây này và cho nguồn thu nhập hiệu quả.

Hái “lộc rừng” có tiền cho năm học mới

Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, sim rừng lại chín rộ bên mái Hoành Sơn. Thời gian này, các con đường mòn dẫn lên dãy núi Hoành Sơn luôn rộn ràng tiếng chào hỏi, cười nói của những người đi hái sim rừng. Đa số họ là phụ nữ, các em học sinh đến từ các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tranh thủ lên núi hái “lộc trời”.

Theo chị Từ Thị Hoa, trú thôn 2, xã Quảng Kim, mùa sim chín cũng là mùa nông nhàn, các con nghỉ hè nên mấy mẹ con chị lại tranh thủ lên rừng hái sim. Với công việc này, mẹ con chị Hoa kiếm được số tiền kha khá để chuẩn bị áo quần, sách vở cho các con trước thềm năm học mới.

Chuyện những người dân làm giàu nhờ “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn- Ảnh 1.

Thu nhập từ sim rừng giúp nhiều người có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống (Ảnh: CTV).

Chị Hoa cho biết, muốn hái được nhiều sim, chị phải thức dậy và đi từ 3h sáng, chịu khó tìm những nơi sim mọc dày để hái. "Nếu đi muộn, người đi trước hái hết rồi, mình “đi mót” thì chỉ được vài cân thôi. Khi hái cũng cần để ý đến những quả xanh, ương, “căn” được bao giờ thì sim chín để đi hái lại”, cho biết thêm.

Đang vào mùa chín rộ nên mỗi buổi luồn rừng, 2 mẹ con chị cũng hái được khoảng 10kg sim. Theo giá thị trường thương lái thu mua, quả sim có giá 25.000 đồng/kg nên mỗi buổi, 2 mẹ con cũng kiếm được 250.000 đồng.

Cũng giống như mẹ con chị Hoa, chị Phạm Thị Liên, xã Quảng Kim, cũng nhờ “lộc rừng” mà có tiền đắp đổi nuôi con cái ăn học. Chị Liên vốn làm nghề phụ thợ hồ nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa quả rừng chín, chị lại gác công việc, thường xuyên có mặt trong “biệt đội” đi hái “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn.

Theo chị Liên, chồng chị hay đau yếu, một mình chị phải gồng gánh lo toan cuộc sống gia đình. Nghề thợ hồ vốn vất vả thuộc tốp bậc nhất ấy cũng chỉ đủ cho gia đình chị sống qua ngày. “Cũng nhờ những mùa quả rừng mà dãy Hoành Sơn ban tặng nên cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Mùa nào thức ấy, hết dâu thì đến sim, rồi móc, muồng, tôi đều bám rừng để “hái lộc” mưu sinh. Mùa dâu và sim năm noái, tôi thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ tiền “ăn” quả rừng mà tôi mua được một con bò giống để chăn nuôi và sửa được căn nhà khang trang hơn”, chị Liên phấn khởi chia sẻ.

Chuyện những người dân làm giàu nhờ “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn- Ảnh 2.

Sim rừng được nhiều người ưa chuộng mua về để ngâm rượu (Ảnh: CTV).

Giữa kỳ nghỉ hè nên nhiều em học sinh cũng tận dụng khoảng thời gian này để lên rừng hái sim phụ giúp cha mẹ. Em Nguyễn Thị Hiền (học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung) cho biết, những năm qua, mỗi dịp hè, em thường theo mẹ và các chị trong thôn đi hái sim rừng.

“Hái sim không phải là công việc vất vả, chỉ cần mình chịu khó, siêng năng thì làm được ngay thôi. Mỗi vụ sim kéo dài 2 tháng, em thu được 5 triệu. Đó là một số tiền rất lớn đối với chúng em, nhờ quả sim rừng mà mấy năm nay em không phải xin tiền bố mẹ để mua sách vở, quần áo cho năm học mới nữa. Bố mẹ em cũng bớt đi gánh nặng. Vì vậy mà năm nào chúng em cũng háo hức mong nhanh đến mùa sim chín để đi hái”, em Hiền vui vẻ nói.

Năm nay do trời ít mưa, cây sim ra hoa muộn nên năng suất không cao bằng năm ngoái. Mặc dù vậy, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người lên dãy núi Hoành Sơn hái sim. Sim hái được bao nhiêu, thương lái đều thu mua tận cửa rừng, trực tiếp nhận thành quả sau mỗi buổi hái sim nên ai cũng phấn khởi.

Một thương lái thu mua sim ngay tại cửa rừng cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua khoảng 4 tạ sim, ngày cao điểm có khi lên đến 6 tạ. Chị thu mua sim của bà con sau đó nhập lại cho các mối lớn hơn để xuất đi tiêu thụ ở Tp.Đồng Hới và các tỉnh xa.

Làm giàu nhờ trồng sim

Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây sim, nhiều hộ dân ở các xã Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Tiến… đã tiến hành trồng, khoanh nuôi bảo vệ cây sim rừng. Hướng đi này đã và đang mang lại thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Ông Nguyễn Ánh Ngọc, thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp, là một trong những người “tiên phong” đưa cây sim về trồng thành vườn rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân làm giàu.

Năm 2017, nhận thấy cây sim có giá trị kinh tế nên gia đình ông Ngọc đã tiến hành khoanh nuôi và trồng mới được hơn 2ha sim. Hiện, cây sim trong vườn ông Ngọc đã phát triển tốt, rất sai quả. Ước tính mỗi vụ, gia đình ông có thu nhập trên 70 triệu đồng từ cây sim.

Chuyện những người dân làm giàu nhờ “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn- Ảnh 3.

Thương lái đến tận nơi để thu mua sim rừng (Ảnh: CTV).

Theo ông Ngọc chia sẻ thì cây sim cũng dễ trồng. Khi đã trồng sống, chỉ cần bón phân nhẹ, tưới nước là sim cho quả. Mỗi vụ sim kéo dài hơn 2 tháng, cứ khoảng 3 ngày thì thu hoạch 1 lần. Khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại.

Bí quyết làm giàu từ việc nuôi loại động vật hoang dã của anh nông dân ở Quảng BìnhVợ chồng lão nông hé lộ cách nuôi gà rừng thuần chủng để làm giàu

Ở xã Quảng Kim, nói đến ông Chu Văn Thi, không ai không biết. Trang trại trồng 10ha sim rừng của ông là minh chứng cho hướng đi đúng đắn về việc thay đổi mô hình trồng cây. Trước đây, trên diện tích này gia đình ông chủ yếu trồng bạch đàn và cây chè. Những năm gần đây, nhận thấy cây sim cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã khoanh nuôi và trồng mới sim thay thế số diện tích bạch đàn vừa khai thác. Hiện, sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây sim đã bắt đầu cho thu nhập. Theo ông Thi, trồng sim cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng cây bạch đàn.

Ông Bùi Hải Lưu, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã có khoảng 30ha sim được người dân trồng và khoanh nuôi bảo vệ. Nhiều hộ có diện tích trồng và khoanh nuôi khá lớn, có thu nhập cao, từ 50-70 triệu đồng/vụ nhờ trồng sim.

“Cây sim hiện đang được xã xác định là một trong những giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trong điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt tại địa phương. Hiện, chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con tận dụng diện tích đất bờ thửa bỏ hoang để trồng sim; dùng cây sim để trồng thành hàng rào, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa có thêm thu nhập”, ông Lưu cho biết thêm.